Mùa xuân năm 1997
Sau tai nạn mất hai chân và sau khi được điều trị và lắp chân giả, chị Nguyễn Hướng Dương làm cộng tác viên cho Đài Tiếng Nói Nhân Dân Tp.HCM, trong chương trình dành cho thiếu nhi. Mỗi ngày từ 6.45 sáng đến 8 giờ giọng chị Hướng Dương lại vang lên từ nhà đài, đi vào cuộc sống của thính giả, đặc biệt là đông đảo thiếu nhi mù và người mù trong cả nước.
Mùa hè năm 1997
Chị Nguyễn Hướng Dương đến trường Phổ Thông Đăc Biệt Nguyễn Đình Chiểu, trường chuyên dạy học sinh mù tại Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp đọc sách, truyện cho từng nhóm học sinh mù nghe trong giờ ra chơi. Các em vô cùng hân hoan và thích thú nghe từng đoạn “sách nói sống” từ chị Nguyễn Hướng Dương. Để có “sách nói” cho học sinh toàn trường có thể nghe bất cứ lúc nào, chị nghĩ ra cách đọc thu âm vào băng cassetle rồi sang ra nhiều băng tặng các em. Trường đã làm cho chị một phòng thu âm đơn sơ, không quạt, không máy lạnh, và chỉ có một máy cassetle để thu âm. Chị trở thành tình nguyện viên đọc sách nói cho trường Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi tuần bốn buổi đến trường cặm cụi đọc trong cái nóng toát mồ hôi để ra những cuốn sách nói đầu tiên như “Không Gia Đình” với 15 cuộn băng…, rồi hàng chục đầu sách nói với hàng trăm cuốn băng tiếp tục phục vụ cho học sinh toàn trường.
Ngày 19 tháng 5 năm 1998
Đây là ngày ra đời của Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù do chị Nguyễn Hướng Dương sáng lập sau một năm ấp ủ nguyện vọng của chị là phải phục vụ được sách nói cho tất cả người mù và học sinh mù không những tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Để thư viện được ra đời, chị đã mượn văn phòng của Trung tâm UNESCO TP.HCM tại quận Bình Thạnh làm việc trong 5 tháng rồi sau đó dời qua trụ sở của Hội Phụ Nữ Từ Thiện ở Quận 3 với sự cho phép của các dì trong Ban chấp hành của Hội, dành cho một phòng trong trụ sở cho thư viện làm việc. Còn phòng thu âm thì chị được Công ty Thế kỷ 21 cho mượn một phòng trong một cao ốc của công ty và trang bị cho chị một máy thu âm tốt hơn. Bên cạnh giọng đọc của chị, chị còn kết nối và mời gọi thêm những anh chị em tình nguyện viên là những giọng đọc vàng đến thư viện để cùng tham gia việc đọc sách nói cho người mù.
Ngày 10 tháng 10 năm 1999
Đây là ngày thư viện làm lễ kỷ niệm 1 năm thành lập. Thư viện đã tổ chức một cuộc thi kể chuyện dành cho các em thiếu nhi mù trong các trường và các mái ấm nuôi dạy trẻ em mù tại Tp.HCM. Các em tham gia rất sôi nổi, kể lại những câu chuyện mà chị Nguyễn Hướng Dương đã chuyển thành sách nói cho các em nghe. Sau một năm thư viện đã thu âm được gần 100 đầu sách và in ra khoảng 4.000 băng cassetle phục vụ cho người mù và học sinh mù trong toàn Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác.
Ngày 2 tháng 4 năm 2004
Đây là ngày thư viện làm lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Sau 5 năm, thư viện đã thu âm được gần 500 đầu sách, bao gồm bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách văn học Việt Nam, sách văn học nước ngoài và sách luyện thi đại học. Thư viện đã in ra hơn 55.000 băng đĩa sách nói phục vụ cho người mù và sinh viên mù trong tất cả các tỉnh thành của cả nước.
Trong 5 năm qua, thư viện còn có thêm 2 chương trình hoạt động mới là chương trình “Học bổng Hướng Dương” từ năm 2000 do ông Phạm Đức Trung Kiên, một Việt kiều Mỹ cấp học bổng và tặng Laptop cho tất cả các bạn học sinh mù đậu vào đại học… trong suốt thời gian theo đại học, và chương trình “Học bổng Ánh Sen” từ năm 2001 do nhiều ân nhân đóng góp tặng cho các học sinh mù học giỏi.
Trong 5 năm qua, chị Nguyễn Hướng Dương cũng được nhiều hình thức khen thưởng như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000, Huy Chương vì Sự Nghiệp Bảo Vệ và Chăm sóc Trẻ em năm 2001, Giải thưởng “Ngày Sáng tạo Việt Nam” của Ngân hàng Thế Giới năm 2003, Bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM năm 2004, Huy Chương vì Hạnh Phúc Người mù năm 2004.
Ngày 3 tháng 12 năm 2008
Đây là ngày thư viện làm kỷ niệm 10 năm thành lập. Sau 10 năm, thư viện đã thu âm được 821 đầu sách nhiều thể loại như lịch sử, khoa học, y học, danh nhân, hạt giống tâm hồn, văn học, cổ tích… và luôn cập nhật các bộ sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học, và đọc sách giáo khoa đại học theo yêu cầu của các sinh viên mù. Thư viện đã in sang ra 145.000 cuốn băng sách nói cho 75 đơn vị Hội Người Mù và các trường mù trên toàn quốc. Năm 2008, thư viện sách nói dành cho người mù được nhận bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM.
Ngày 8 tháng 8 năm 2009
Thư viện đã chính thức cho ra đời trang “Thư viện sách nói trực tuyến” tại website có tên là “sachnoionline.com” tải dần lên các tựa sách đã được thư viện thu âm trước đây. Cũng trong năm 2009 này, Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt nam đã công nhận Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người mù là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoạt động trong lãnh vực này.
Ngày 16 tháng 10 năm 2010
Đây là ngày lễ ra mắt Quỹ Từ thiện Sách nói cho người mù đã được Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM cấp giấy phép thành lập để bảo trợ cho thư viện Sách nói dành cho người mù. Trong buổi lễ này, chị Nguyễn Hướng Dương đã được trao tặng “Huân Chương Lao Động Hạng Nhì” do Chủ tịch nước ký tặng đặc cách vượt qua hạng ba để ghi nhận công sức của chị sau 12 năm lao động miệt mài để phục vụ hỗ trợ sách nói cho người mù mà chị Hướng Dương tự nguyện gồng gánh.
Ngày 5 tháng 1 năm 2014
Đây là ngày thư viện làm lễ kỷ niệm 15 năm thành lập tại Nhà Thiếu nhi Tp.HCM với chương trình văn nghệ có tên “Ánh sáng từ trái tim” và trao giải thưởng cho cuộc thi viết “Sách nói, bạn đường của tôi” Trong 15 năm qua, thư viện đã thu âm trên 1.300 tựa sách, phát hành trên 270.000 băng đĩa sách nói phục vụ cho người mù trong cả nước. Đến thời điểm này đã có 152 sinh viên mù vào đại học, trong đó có 92 sinh viên đã tốt nghiệp và có việc làm ồn định, có 2 sinh viên đậu thạc sĩ, một kết quả mà trước đây chưa từng có. Sau 3 năm trang web sachnoionline.com của thư viện ra đời đã thu hút hơn 10 triệu lượt truy cập. Học bổng Hướng Dương đã cấp được 482 suất với 91 Laptop cho 152 sinh viên, học bổng Ánh Sen đã cấp được 1.287 suất cho học sinh mù. Năm 2014 này chị Nguyễn Hướng Dương cũng đã được Bộ Giáo Dục Đào Tạo tặng kỷ niệm chương “Vì Sự Nghiệp Giáo Dục”. Trước đó, năm 2013 chị cũng đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam tặng danh hiệu Người đọc sách Phật pháp nhiều nhất do chị còn đọc sách Phật pháp tại phòng thu âm tại nhà riêng với trên 200 đầu sách về Phật pháp.
Ngày 25 tháng 11 năm 2017
Đây là ngày khánh thành trụ sở hoàn toàn mới của thư viện sách nói dành cho người mù sau 19 năm lưu lạc, ở nhờ, ở đậu tại các trụ sở của các Hội Đoàn trong Thành phố, có khi phải thuê mướn nhà của tư nhân. Đây là niềm vui lớn của chị Nguyễn Hướng Dương, của ân nhân, của cộng tác viên, của nhân viên thư viện và của tất cả người mù, sinh viên học sinh mù trong cả nước. Trụ sở mới có văn phòng và hội trường rộng rãi khang trang, có đến 5 phòng thu âm với trang thiết bị khá hiện đại và có phòng dạy tin học cho người mù. Đây là kết quả của chị Hướng Dương đã lên Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM trình bày nguyện vọng và đã được Ủy Ban chấp nhận cấp cho mặt bằng rộng gần 200 mét vuông tại số 18B Đường Đinh Tiên Hoàng, Phường Đakao – Quận 1 – Tp.HCM. Từ một căn nhà trệt cấp 4 cũ kỹ, chị và Ban Quản Lý Quỹ Từ thiện Sách nói cho người mù đã vận động được rất nhiều ân nhân đóng góp tài chánh và vật tư để xây lên một tòa nhà 5 tầng để làm trụ sở thư viện.
Ngày 25 tháng 4 năm 2018
Ngày này, một chuyện vô cùng đau buồn đã xảy ra là chị Nguyễn Hướng Dương lại gặp tai nạn và đã qua đời ở tuổi 47, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người. Chị ra đi sau đúng 20 năm sáng lập và điều hành thư viện sách nói dành cho người mù và chỉ sau 4 tháng khánh thành trụ sở mới của thư viện. Khi ra đi, chị để lại cho đời, cho người mù một kho sách nói đồ sộ, một trái tim nhân ái, một ý chí kiên cường, thắp lên một tia sáng trong bóng tối của người mù. Trời đã phú cho chị một giọng đọc chuẩn và truyền cảm, một khả năng thu hút nhiều ân nhân hỗ trợ cho chị, một khả năng đắc nhân tâm để điều hành thư viện, làm cho mọi người làm việc trong thư viện và cộng tác với thư viện luôn luôn đoàn kết, gắn bó và thương nhau như anh chị em trong một nhà. Nhờ vậy mà trong 20 năm qua, thư viện đã cung cấp được khoảng 2.000 tựa sách nói đủ thể loại, in sang ra khoảng nửa triệu băng đĩa sách nói, rồi trang sách nói online có số truy cập lên đến khoảng 20 triệu lược người. Chương trình học bổng Hướng Dương cho sinh viên mù đã cấp được 739 suất trị giá: 3 tỷ 995 triệu đồng với 176 Laptop, đã có 223 sinh viên vào đại học, 162 sinh viên tốt nghiệp , trong đó có 6 sinh viên có bằng thạc sĩ. Chương trình học bổng Ánh Sen cho học sinh mù trong 20 năm qua đã cấp được 2.781 suất trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác giúp người mù cũng có kết quả tốt.
Năm năm đi tiếp hành trình còn dang dỡ của chị Nguyễn Hướng Dương 2018-2023
Từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2023 là 5 năm thư viện vắng bóng chị Hướng Dương, nhưng quý ân nhân, các tình nguyện viên, Ban Quản lý Quỹ Từ Thiện Sách Nói Cho Người Mù và cán bộ công nhân thư viện đã quyết tâm làm cho thư viện vẫn tồn tại và phát triển. Chị Nguyễn Hướng Dương mất đi đã là một sự mất mát lớn, mà đến năm 2.000, một sự mất mát lớn nửa xảy ra cho thư viện là kẻ xấu đánh sập mạng trang sachnoionline.com của thư viện, làm mất hết dữ liệu của hàng nghìn đầu sách nói mà không thể khôi phục được, người mù không thể truy cập được trong gần một năm. Thư viện phài lượm lặt các băng cassetle, đĩa CD, MP3 còn lưu lại up lên trang web mới nhưng cũng không được bao nhiêu. Do đó, số lược đầu sách nói phục vụ người mù bị sút giảm đáng kể.
Ngoài ra, năm 2021, dịch Covid bùng phát lại làm cho thư viện phải ngưng hoạt động một thời gian.
Tuy khó khăn như vậy, nhưng trong 5 năm từ 2018 đến 2023, thư viện cũng thu âm thêm hơn 900 đầu sách mới tải lên trang web mới đồng thời cũng in sang ra trên 50.000 đĩa CD, MP3 và 400 USB phát cho những người mù có nhu cầu. Học bổng Hướng Dương trong 5 năm qua cấp thêm được 216 suất với 57 laptop trị giá trên 1 tỷ đồng. Học bổng Ánh Sen có thêm 355 lượt ân nhân tài trợ 1.555 suất trị giá gần 3 tỷ đồng. Đăc biệt thư viện đã thành lập “Trung Tâm Hỗ Trợ Và Phát Triển Công Nghệ Cho Người Mù” , đã mở được 8 lớp học về công nghệ thông tin và 38 lớp về hướng dẫn điện thoại thông minh cho 583 người mù và sinh viên học sinh mù trong 7 tỉnh thành. Các học viên còn được trợ cấp chi phí học tập, được tặng laptop hoặc điện thoại thông minh sau khi học xong với trị giá gần 3 tỷ đồng. Hy vọng những nổ lực vượt qua khó khăn trong 5 năm vừa qua sẽ làm đà cho thư viện tồn tại vững vàng và phát triển trong một tương lai lâu dài.
Những bước đi ban đầu của Thư Viện Sách Nói Hướng Dương Dành Cho Người Mù đầy phấn khởi nhưng cũng đầy gian nan thử thách.
Thư viện Sách nói đã dời đổi địa điểm 5 lần như sau
Thư Viện Sách nói cho người mù hoạt động tại Trung Tâm UNESCO Tp.HCM, Số 96 đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh
Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người mù hoạt động tại Hội Phụ Nữ Từ thiện Tp.HCM. Địa chỉ: 186 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Phường 6 - Quận 3 - Tp.HCM
Sau khi có QĐ Thành lập Quỹ Từ Thiện Sách Nói Cho Người Mù
Số 659/QĐ UBND ngày 04/02/2010 Thư viện tách ra hoạt động độc lập tại số 5 Nguyễn Đình Chiểu - Phường Đakao - Quận 1 - Tp.HCM. Thư viện sách nói đã mượn tạm nhà của ông Ngô Mạnh Hân (Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ) làm văn phòng hoạt động.
Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người mù Chuyển đến Cơ Sở Thành Đoàn. Địa chỉ: số 5 đường Đinh Tiên Hoàng – Phường Đakao - Quận 1 – Tp.HCM
Trụ Sở Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người mù chính thức hoạt động tại số 18B Đinh Tiên Hoàng, phường Đakao - Quận 1 - TP.HCM.
Điện thoại: 028 39115253
Hội đồng Quản lý Quỹ Thư viện Sách nói cho người mù
Theo Giấy Quyết Định số : 472/QĐ-UBND
Ông: Lê Quốc Ân
Chủ tịch Hội đồng Quản Lý Quỹ
Bà: Hoàng Lê Tuyết Ngọc
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản Lý Quỹ
Cô: Lê Hoàng Uyên Vy
Thành viên Hội đồng Quản Lý Quỹ Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghệ cho người mù
Ông: Nguyễn Thanh Tâm
Giám Đốc Quỹ Từ Thiện Sách Nói Cho Người Mù Giám đốc Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người mù