HD - trò chuyện hs mù.jpg

Nhân duyên Nguyễn Hướng Dương xây dựng Thư viện Sách nói dành cho người mù

NHÂN DUYÊN NÀO CHỊ HƯỚNG DƯƠNG QUYẾT TÂM

XÂY DỰNG THƯ VIỆN SÁCH NÓI DÀNH CHO NGƯỜI MÙ

Năm 1996, lúc 25 tuổi, tuổi thanh xuân của cuộc đời, chị Nguyễn Hướng Dương đang làm hướng dẫn viên du lịch thì một tai nạn xảy đến làm chị mất cả đôi chân. 
Thầy giáo mù Lê Dân Bạch Việt của trường PTĐB. Nguyễn Đình Chiểu . trường dành cho trẻ em mù tại Thành phố Hồ Chí Minh là một người bạn của Hướng Dương. Thầy Bạch Việt từng có ý định mời Hướng Dương đến thăm trường trong những ngày đầu buồn bã sau tai nạn để mong chị nhìn thấy sự hồn nhiên và vươn lên của những học trò mù của thầy mà vượt qua sự tuyệt vọng của bản thân, nhưng thầy không dám. Đến mùa hè năm 1997, khi gặp lại Hướng Dương với tiếng cười trong veo vì đã có lắp chân giả, thầy Việt mới mạnh dạn nói với Hướng Dương: “Em đã mất đi đôi chân nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn anh và nhiều người vì em còn đôi mắt. Em hạnh phúc hơn nhiều so với những người sống trong bóng tối như anh. Anh muốn em dành thời gian đến ngôi trường nơi anh đang dạy, để em biết là anh nói thật”.

Sau nhiều đêm thao thức vì câu nói của thầy Việt, chị Hướng Dương đã nhờ mẹ đưa đến trường Nguyễn Đình Chiểu. Ở đó, chị đã gặp một thế giới khác, một thế giới mà Hướng Dương chỉ có thể cảm nhận từ số phận bi kịch của đời mình. Chị không ngờ vừa cất tiếng chào hỏi thì nhiều đứa trẻ nhận ngay ra đó là “chị phụ trách chương trình thiếu nhi ở trên đài phát thanh Tp, Hồ Chí Minh, Hướng Dương đọc sách và kể chuyện rất hay ở trên đài.

Lần đầu tiên gặp các em học sinh trường mù Nguyễn Đình Chiểu, chị Hướng Dương đã nhận ra rằng: “Trên đời này, ngoài các em mù còn biết bao người bất hạnh hơn mình gấp nhiều lần…. Hướng Dương đã tự nhủ: “Với những gì còn lại, mình phải đem được một niềm vui dù nhỏ thôi cho các em mù thì cuộc sống mình đã có ý nghĩa rồi.”

Rồi mỗi khi gặp, các em lại tíu tít đòi nghe chị kể chuyện. Mỗi lần đến thăm trường mù, là một lần Hướng Dương phải kể đi kể lại cả chục câu chuyện. Hướng Dương đã không thể từ chối trước những đôi mắt tối đen, mờ đục đang hướng về chị. Và chị đã ước mình có phép lạ, có thể biến thành nhiều Hướng Dương chỉ để kể chuyện cho các em mù nghe…

Sau đó, chị Hướng Dương nghe thầy giáo Bạch Việt chia sẻ rằng ở Thái Lan đã có loại hình talking-book sách nói mà Việt Nam chưa hề thấy. Sách nói giúp cho người mù có cuộc sống tâm hồn phong phú hơn! Việc tiếp nhận thông tin, mở mang kiến thức và được hòa nhập với thế giới xung quanh qua những tác phẩm văn học và các tài liệu khoa học là khát khao rất lớn của những người mù và những giáo viên mù như thầy Việt và các thế hệ người mù khác. Sách chữ nổi - loại hình sách truyền thống dành cho người mù, tuy rất hữu dụng nhưng vẫn có nhiều hạn chế nhất định về giá thành cao, kích thước lớn, cầm nặng tay, không đa dạng nội dung v.v.. là những rào cản đối với người mù khi tiếp cận sách chữ nổi. Vả lại việc đọc chữ nổi thật sự cũng không dễ dàng gì với người trưởng thành mới bị mù hay với các em nhỏ mù mới học vỡ lòng.

Rồi chị Hướng Dương bỗng nghĩ ra một sáng kiến, ban đầu là làm sách nói một cách đơn giản nhất bằng cách đọc trực tiếp vào một máy cassetle rồi sang ra nhiều băng cassetle phát cho các em mù nghe. Sáng kiến này được thầy Hiệu trưởng ủng hộ, thầy cho trường làm ngay một phòng thu âm tạm thời với một máy cassetle để chị làm sách nói. Mỗi tuần, bốn buổi sáng, mẹ Ngọc chở chị đến trường, chị đọc đến khan giọng và vả mồ hôi vì phòng thu âm không có quạt, không có máy lạnh. Liên tục như vậy trong khoảng một tháng rưởi thì chị đã đọc thu âm xong tác phẩm “Không gia đình” với 15 cuốn băng cassetle. Sau quyển truyện đầu tiên đó là cuốn “Aladin và cây đèn thần” rồi đến “Tâm hồn cao thượng” tiếp tục được Hướng Dương đọc, thâu và truyền tải đến các em qua hình thức sách nói .

Các em học sinh mù trường Nguyễn Đình Chiểu khao khát và chờ đón từng cuốn băng mà chị làm ra để nghe tiếp câu chuyện như người đi trên sa mạc, được uống từng ngụm nước mát. Có em thấy chị khát nước. vội chạy đi lấy nước cho chị uống để được thấm giọng, đỡ mệt mà tiếp tục đọc, thâu cho các em nghe .

Hướng Dương cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được công việc có ích, đem lại niềm vui cho các em học sinh mù ở đây. Nhưng còn bao nhiêu em học sinh mù ở các trường khác trong thành phố và trên cả nước, rồi sinh viên mù và người mù nói chung cũng cần có sách nói với đa dạng thể loại, đa dạng chủ đề hơn. Sáng kiến thành lập một Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù từ đó được hình thành dần trong tâm trí của Hướng Dương.

Nung nấu ý tưởng hơn một năm thì chị bắt tay vào việc thực hiện, phải đi từng bước từ không thành có, từ nhỏ đến lớn. Trước hết phải có một văn phòng làm việc và một phòng thu âm có chất lượng hơn. Sau đó là kinh phí cho hoạt động sản xuất sách nói và cần một lực lượng Tình nguyện viên đọc sách nói cho người mù

1/- Về văn phòng làm việc : ban đầu chị mượn tạm văn phòng của Trung tâm UNESCO TP.HCM tại quận Bình Thạnh để tổ chức lễ ra mắt Thư viện sách nói dành cho người mù vào ngày 19/05/1998. Sau năm tháng chị được Hội Phụ nữ Từ thiện Tp.HCM cho mượn một phòng để làm văn phòng chính thức của Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù tại trụ sở của Hội ở quận 3 Tp. HCM, từ tháng 10 năm 1998 đến năm 2009, thư viện đã hoạt động được 11 năm

2/- Về Phòng thu âm: Ngay sau khi thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù năm 1998, Ông Trần Minh Đức, Tổng Giám đốc công ty Thế Kỷ 21 cảm kích trước việc làm của chị đã cho mượn một phòng trong một cao ốc của công ty để làm phòng thu âm và đồng thời tặng cho thư viện sách nói một máy thu âm tốt hơn. Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù được sử dụng phòng thu âm này từ năm 1998 đến năm 2000, tức là được hai năm phải dọn đi vì cao ốc đã cho thuê kín phòng, không còn phòng trống để cho mượn miễn phí nữa. Sau đó, Thư viện phải thuê nhà tư nhân để làm phòng thu âm cho đến năm 2009 thì thư viện được chính phủ Nhật Bản tài trợ thiết lập được một phòng thu âm đạt tiêu chuẩn tại Tại Trụ sở Hội Phụ nữ Từ thiện Tp. HCM

Năm 2010 : Thư viện sách nói dành cho người mù đã phát triển mạnh, để đáp ứng nhu cầu sách nói ngày càng tăng của người mù cả nước, cần phải có văn phòng làm việc lớn hơn, có nhiều phòng thu âm hơn nên thư viện sách nói dành cho người mù cũng cần phải có cơ sở vật chất lớn hơn. Sau hai lần di dời từ việc đi mượn cơ sở của tư nhân rồi mượn cơ sở của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Tp.HCM, Thư viện Sách nói đã được Ùy Ban Nhân dân Tp.HCM cấp một căn nhà cấp 4 có mặt bằng rộng rãi để xây dựng trụ sở riêng cho Thư viện tại số 18B Đường Đinh Tiên Hoàng – Phường Đa Kao – Quận 1 – Tp.HCM

Về Việc Xây Dựng mới Trụ Sở của Thư viện sách nói dành cho người mù:

Chị Hướng Dương lại được sự ủng hộ rất lớn của rất nhiều ân nhân gồm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp lớn và nhỏ; đặc biệt là ông Phạm Đức Trung Kiên chủ tịch Quỹ Foundation Việt Nam ( VN Foundation) và nhiều cá nhân đủ mọi tầng lớp kể cả người mù, sinh viên học sinh mù… tất cả “ góp gió thành bão” xây nên một trụ sở thư viện Sách nói dành cho người mù có năm tầng lầu với nhiều phòng hoạt động , nhiều phòng thu âm đạt tiêu chuẩn mới.

3/- Về Kinh phí hoạt động của Thư viện sách nói dành cho người mù

Ngay từ lúc mới hình thành từ năm 1998, Thư viện sách nói dành cho người mù đã bắt đầu cần kinh phí để mua băng cassetle in ra hàng nghìn cuốn phát miễn phí cho các cơ sở mù và người mù cả nước, số kinh phí này ngày càng tăng lên khi số sách nói tăng lên và thư viện cần nhiều dĩa CD và MP3 hơn nữa

Ân nhân đầu tiên là bà cụ Dương Thị Liễu và bà cụ Nguyễn Thị Uyên, trước khi qua đời đã dặn con cháu dành tiền phúng điếu để làm từ thiện , tặng tiền cho Thư viện  để mua băng cassetle làm sách nói cho người mù.

Tiếp đó là ân nhân khác như Ông Lê Quốc Ân (nguyên chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam), Ông Phạm Phú Ngọc Trai - sáng lập Công ty liên doanh nước giải khát quốc tế IBC, Ông Ngô Minh Đường (Việt kiều Pháp), Ông Phạm Đức Trung Kiên (Việt kiều Mỹ) …, và về sau số quý ân nhân tăng lên ngày một nhiều để chung tay với Hướng Dương và cho thư viện.

4/- Về “Tình nguyện viên” đọc sách nói :

Nghe tin Hướng Dương một mình làm thư viện sách nói dành cho người mù nhiều anh chị em có tấm lòng cùng với Hướng Dương đã tình nguyện không chỉ giúp băng cassetle mà các anh chị còn dành thời gian và giọng đọc quý báu của mình đến với Hướng Dương và thư viện. Các anh chị phóng viên đài phát thanh, đài truyền hình thành phố như anh Bá Trung, Đức Uy, Kim Phượng, Ngô Hồng, Mạnh Linh, Trung Nghị, Đỗ Thụy, Ngọc Hân, Phương Anh v,v…đều tham gia làm Tình nguyện viên đọc sách nói, hoặc tình nguyện viên hỗ trợ kỹ thuật không thù lao. Và cả những giọng đọc không chuyên nhưng giàu lòng nhân ái làm các ngành nghề khác như kỹ sư hóa, điện thoại viên của tổng đài cũng hăng hái góp công suốt thời gian dài… tạo nên thư viện sách nói miễn phí cho người mù đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho đến nay.

∞∞∞∞∞∞∞∞

Trụ sở mới của Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù khánh thành chưa đầy một năm, thì ngày 25/04/2018 (nhằm ngày 10 tháng 03 âm lịch) Chị Hướng Dương lại gặp tai nạn lần thứ hai và chị đã không may  qua đời ở tuổi 47, sau 20 năm sáng lập và điều hành Thư viện sách nói dành cho người mù với nhiệm vụ Giám đốc Thư viện Sách nói .
Sự ra đi của chị là một sự mất mát lớn cho người mù và Thư viện để lại niềm thương tiếc to lớn cho mọi người.
Tuy nhiên, chị đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, hoàn thành những việc cơ bản của Thư viện để Thư viện có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, tiếp bước chị Hướng Dương và thư viện sách nói trong tương lai cho người mù
Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù rất mong Quý vị ân nhân và Tình nguyện viên tiếp tục ủng hộ Thư viện, Quý vị trong Hội đồng Quản lý Quỹ Từ thiện Sách nói cho người mù, Quý vị trong Ban Giám đốc Thư viện cùng toàn thể cán bộ nhân viên thư viện tiếp tục nối bước sự nghiệp nhân ái mà chị Hướng Dương để lại cho đời.
                                                           

                                                                              Người Viết : Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh 

Để lại chia sẻ của bạn

Bình luận (0)