Chân dung Nguyễn Hướng Dương
1. Sơ Lược Tiểu Sử :
Chị Nguyễn Hướng Dương (1971 – 2018 ) nguyên là Giám đốc Thư Viện Sách Nói Hướng Dương Dành Cho Người Mù là một nhân vật “truyền cảm hứng sống” cho người mù và cho cả cộng đồng.
Chị Nguyễn Hướng Dương sinh ngày 9 tháng 7 năm 1971 tại Sài Gòn ( bây giờ là Thành phố Hồ Chí Minh ) trong một gia đình gia giáo và có truyền thống yêu nước ( theo Wikipedia tiếng Việt )
Trước năm 1975, chị học mẫu giáo tại trường Ái Nhi, được cô giáo khen ngoan, thông minh và lanh lợi. Sau năm 1975, đất nước hòa bình và thống nhất, chị học phổ thông trung học tại trường Lê Quý Đôn, Tp.HCM. Năm nào chị cũng là học sinh giỏi toàn diện, tham gia tích cực mọi hoạt động của trường, của Đội Thiếu Nhi, của Đoàn Thanh Niên trong thành phố Hồ Chí Minh, trong nước và cả nước ngoài ; tham gia các cuộc thi làm thơ, đọc thơ, thi vẽ, thi ngoại ngữ và thường đạt giải cao. Sau đó chị theo học Đại học Sư phạm và đi làm với nghề hướng dẫn viên du lịch mà chị yêu thích.
Những tưởng cuộc đời sẽ rất thú vị với những chuyến hành trình khắp nước Việt thân yêu và có dịp đi ra thế giới để học hỏi, thì một tai nạn xe lửa kinh hoàng cướp mất đôi chân của chị năm 1996, lúc 25 tuổi, tuổi thanh xuân của cuộc đời, chị sa vào tuyệt vọng.
Nhưng sau đó, chị đã vượt lên số phận, đi làm thiện nguyện giúp cho học sinh, sinh viên mù và người mù nói chung bằng cách thành lập và điều hành Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù trong suốt 20 năm từ năm 1998 đến năm 2018, đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên mù và người mù trong cả nước về việc học tập và mở mang tri thức trong nhiều lĩnh vực.
Nhưng đến ngày 26 tháng 4 năm 2018, tức ngày 10 tháng ba âm lịch, số phận nghiệt ngã lại đến với chị Nguyễn Hướng Dương, chị lại bị một tai nạn giao thông lần thứ hai và qua đời ở tuổi 47. Chị qua đời để lại vạn niềm thương không những đối với học sinh, sinh viên mù và người mù nói chung mà còn đối với những người đã đồng hành với chị, những ân nhân và rất nhiều người thương mến, ngưỡng mộ chị.
2. Quá trình thành lập và điều hành Thư viện Sách Nói Dành Cho Người Mù
Sau hai năm chữa trị hai chân bị đứt lìa, tập đi được với hai chân giả, chị đến thăm trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chuyên dạy các em học sinh mù, chị rất thương mến các em và các em cũng thương mến chị. Trong giờ ra chơi của các em, chị đọc sách, đọc truyện cho các em nghe bằng chính chất giọng truyền cảm của mình. Trước sự háo hức và thích thú của các em học sinh mù, chị đã phát hiện được nhu cầu nghe sách nói của các em mù cũng như người mù nói chung, chị đã có tâm nguyện thành lập và điều hành Thư viện Sách Nói Dành Cho Người Mù và dành trọn đời cho công việc này.
Ngày 19 tháng 5 năm 1998, chị cho ra đời Thư Viện Sách nói Dành Cho Người mù đầu tiên ở Việt Nam với những phương tiện tối thiểu và đơn sơ nhất. Văn phòng nhỏ xíu mượn ở một nơi, phòng thu âm mượn ở một nơi khác được trang bị một máy thu âm thô sơ, kinh phí được tài trợ ít ỏi và chị đơn độc làm việc một mình từ đọc sách thu âm, sang băng cassetle, phát hành cho các trường và các mái ấm nuôi dạy trẻ em mù tại Tp.HCM.
Thế rồi nhờ rất nhiều ân nhân biết lòng nhân ái và nghị lực của chị đã giúp thư viện phát triển nhanh theo từng tháng và từng năm. Số tình nguyện viên đọc sách thu âm đến với chị ngày càng đông, kinh phí tài trợ ngày càng nhiều, văn phòng và phòng thu âm của thư viện dần dần mượn được chỗ đặt tốt hơn. Từ đó, phạm vi phục vụ sách nói của thư viện đã lan tỏa từ Tp.HCM ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước, bao gồm các hội người mù, các trường, các đơn vị nuôi dạy trẻ em mù trên toàn quốc. Đến năm 2017, Thư viện từ chỗ vô gia cư, ở nhờ, ở đậu nhiều nơi, đã có một trụ sở mới khang trang với mặt bằng gần 200 mét vuông, xây dựng 5 tầng với văn phòng, hội trường rộng rãi, có 5 phòng thu âm khá hiện đại, có phòng dạy tin học cho người mù…
Ngoài việc cung cấp sách nói đủ loại bao gồm giáo trình cho học sinh, sinh viên mù học tập, còn có sách tham khảo, sách văn học, khoa học, y học, cổ tích Việt Nam và nước ngoài, lịch sử, danh nhân , du lịch … Thư viện còn vận động học bổng cấp cho các học sinh mù nghèo, học giỏi, học bổng cấp cho tất cả sinh viên mù vào đại học suốt thời gian học tập cho đến khi tốt nghiệp. tổ chức cho sinh viên và học sinh mù đi du lịch, tổ chức giải cờ vua cho người mù, tổ chức các lớp học công nghệ thông tin và sử dụng điện thoại thông minh cho người mù…
3. Những cuốn sách được xuất bản
Ngoài việc để lại Thư viện Sách nói Hướng Dương Dành Cho Người Mù, chị còn để lại ba tác phẩm.
Một là, cuốn sách “Đứng dậy và bước đi“ , chị viết Tự truyện của đời mình từ khi gặp tai nạn lần thứ nhất và quá trình làm thiện nguyện phục vụ người mù của chị. Sách đã được xuất bản, tái bản in được bốn lần, ba lần đầu với số lượng mỗi lần : 5.000 bản, và lần thứ tư 1.000 bản.
Thứ hai, là chị đã biên soạn được tập sách “Tuyển tập truyện Cổ tích” bao gồm cả cổ tích Việt Nam và Thế giới,
Thứ ba, là chị đã làm được một tập “Thơ Hướng Dương”. Hai tập sách này được xuất bản sau khi chị qua đời. Ngoài ra, sau khi chị qua đời đã có rất nhiều bài báo, bài viết về chị mà cha mẹ chị đã sưu tầm và in thành sách “Hướng Dương về với mặt trời“ cha mẹ chị cũng đã cho xuất bản một tập sách có nhan đề là “Viết cho con trong thời chiến tranh“ bao gồm những trang nhật ký mà cha mẹ đã viết cho chị từ năm 1971 đến năm 1975, từ lúc chị mới ra đời cho đến 4 tuổi, với tất cả tình thương dạt dào và những ước mong về cuộc đời của chị.
4. Những danh hiệu chị Nguyễn Hướng Dương được khen thưởng
Chị đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như “Huân chương Lao Động Hạng Nhì” do Chủ tịch Nước tặng ; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM ; Danh hiệu “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” do Hội Đồng Quốc gia bình chọn ; Huy Chương "Vì Sự Nghiệp Bảo Vệ Và Chăm Sóc Trẻ Em Việt Nam" do Ủy Ban Bảo vệ Và Chăm Sóc Trẻ em Việt Nam tặng ; Huy Chương “Vì Hạnh Phúc Người Mù” do Hội Người mù Việt Nam tặng ; danh hiệu “Người khuyết tật vượt qua số phận” do Bảo Tàng Phụ Nữ Nam bộ tặng ; Danh hiệu “Công dân Trẻ tiêu biểu Tp.HCM” do Ủy Ban Nhân dân Tp.HCM tặng ; trao tặng danh hiệu “Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam bình chọn ; giải thưởng “ Ngày Sáng tạo Việt Nam “ trị giá 9.445 USD do Ngân hàng thế giới tặng cho thư viện; giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” do Báo Tuổi trẻ tặng .
Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất của chị Nguyễn Hướng Dương, theo nhận xét của nhiều người là “Ý nghĩa cuộc sống chưa hẳn là sống bao lâu, thọ bao nhiêu tuổi mà chính là những đóng góp cho cộng đồng“ và “khi ta sinh ra, mọi người cười, còn ta thí khóc . Hãy sống sao cho khi ta chết đi, mọi người khóc, còn ta thì cười“ Chị đã sống như thế.
Thư Viện Sách nói Hướng Dương Dành cho người mù
Để lại chia sẻ của bạn
Bình luận (0)