Nguyên 1.jpg

Người mù livestream bán hàng qua mạng, kiếm thêm thu nhập

Nhiều người mù đã có thể livestream bán hàng qua mạng để cải thiện cuộc sống, sau khi hoàn thành khóa học sử dụng điện thoại cảm ứng cho người mù.

Ngày 25-11, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ cho người mù (thuộc Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù TP.HCM) phối hợp Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa khai giảng khóa học cách sử dụng điện thoại cảm ứng cho người mù.

Người mù livestream bán hàng trên mạng xã hội

Phát biểu tại buổi khai giảng lớp học, ông Lê Văn Thắng - chủ tịch Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa - cho biết việc khai giảng khóa học sử dụng điện thoại cảm ứng cho người mù đã giúp người mù tỉnh Khánh Hòa giảm bớt tự ti, mặc cảm với xã hội, từ đó vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Người mù sử dụng điện thoại cảm ứng ra sao?

Ông Thắng chia sẻ việc người mù biết sử dụng điện thoại cảm ứng không chỉ giúp gia đình, xã hội bớt gánh nặng mà còn giúp họ bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0. "Thông qua lớp học đầu tiên, đã có nhiều người mù được cải thiện thu nhập bằng cách livestream bán hàng qua mạng xã hội, hoặc có thể đặt xe, chuyển khoản trên điện thoại" - ông Thắng cho hay.

Ông Phan Tấn Minh - ủy viên thường trực Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa - cho biết khóa học sẽ hướng dẫn người mù cách sử dụng phần mềm đọc màn hình, công cụ nhận diện giọng nói, tra cứu thông tin, cách sử dụng các ứng dụng Zalo, Gmail...

"Thay vì quẹt màn hình điện thoại từ trái qua phải thì người mù sẽ nhích ngón tay của họ bên tay trái để di chuyển màn hình, từ đó điện thoại sẽ đọc lên các âm thanh là màn hình chờ, màn hình tin nhắn, màn hình gọi điện thoại" - ông Minh cho hay.

Ông Ngô Hoàng Nhi, hội viên Hội Người mù TP Nha Trang, thực hiện các thao tác sử dụng điện thoại cảm ứng - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Gửi trao nghĩa tình đến người mù

Đến nay, gia đình họ Hàng (họ Hàn) đã tài trợ 150 triệu đồng để thực hiện mở lớp tập huấn sử dụng điện thoại cảm ứng và tặng 30 chiếc điện thoại cảm ứng cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa.Dịp này, nhóm thân hữu của họ Hàng (họ Hàn) đã trao tặng 30 phần quà cho học viên gồm 150kg gạo và 6 triệu đồng (mỗi học viên nhận 200.000 đồng để đăng ký sử dụng mạng 4G). Ngoài ra, Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù cũng trao tặng 30 chiếc gậy dò đường cho các học viên.

Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Hàng Chức Nguyên - đại diện gia đình họ Hàng (họ Hàn) - gửi lời cảm ơn đến Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa vì đã tạo điều kiện để Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù TP.HCM và gia đình họ Hàng (họ Hàn) có cơ hội chia sẻ với người mù của tỉnh.

"Chúng tôi không thể tưởng tượng được nhờ có một chiếc điện thoại thông minh mà người mù có thể đưa các sản phẩm lên mạng để bán kiếm sống hay quảng cáo công việc của họ" - ông Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - giám đốc Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù - cho biết công nghệ đã giúp cho người mù có được cách thức tiếp cận và hòa nhập xã hội tốt nhất.

"Khi chuyển từ một cuốn sách chữ in có thể in được bốn đến năm cuốn sách chữ Braille nhưng giá trị của một cuốn sách chữ Braille rất đắt, vì vậy muốn có cuốn sách phổ thông cho người mù đi học rất khó khăn. Điện thoại thông minh chính là công cụ giúp người mù thuận lợi nhất trong việc tiếp cận xã hội và cải thiện cuộc sống" - ông Tâm cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - giám đốc Quỹ từ thiện sách cho nói người mù - trao tặng điện thoại thông minh cho người mù tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đại diện gia đình họ Hàng, ông Hàng Thái Nguyên (giữa) và lãnh đạo hội Người mù Khánh Hoà - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Những chiếc điện thoại thông minh được cài đặt sẵn trợ lý ảo tiếng Việt được trao tận tay cho người mù tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

 

Để lại chia sẻ của bạn

Bình luận (0)